Metro ngầm cần sự kết nối - không gian trung tâm TP HCM

Vì chưa có quy hoạch không gian ngầm ở khu vực trung tâm TPHCM nên khi xây dựng các nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, cần chú ý đến yếu tố kết nối với các công trình ngầm đã và sẽ xây dựng trong tương lai.
Gói thầu số 1b - xây dựng đoạn metro ngầm (tuyến số 1) trong lòng đất từ nhà ga Nhà hát thành phố đến nhà ga Nhà máy Ba Son dài 1,8 cây số, trị giá 23,17 tỉ yen Nhật (229,1 triệu đô la Mỹ) vừa được liên danh nhà thầu Shimizu-Meada (Nhật) động thổ hôm 25-7-2014.
Metro ngầm
Không gian ngầm rộng lớn
Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tuyến metro số 1 có 2,6 cây số ngầm dưới lòng đất và đi qua ba nhà ga ngầm là nhà ga trung tâm Bến Thành, nhà ga Nhà hát thành phố và nhà ga Ba Son (sau đó “ngoi” lên chạy trên mặt đất về Suối Tiên).
Các công trình ngầm của tuyến metro số 1 được chia thành 2 gói thầu 1a (đoạn đi ngầm từ nhà ga Bến Thành  đến nhà ga Nhà hát thành phố, bao gồm xây dựng nhà ga ngầm trung tâm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3a và số 4) và 1b - vừa bắt đầu thi công.
Ông Lê Khắc Huỳnh lý giải, sở dĩ các công trình của tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Ba Son phải xây ngầm dưới đất (chi phí cao) là vì, để bảo vệ kiến trúc cảnh quan cũng như mở thêm không gian cho khu vực trung tâm thành phố vốn đã quá chật chội.
Theo thiết kế, nhà ga Nhà hát thành phố ngầm sâu 40 mét, dài 190 mét, rộng 26 mét, gồm bốn tầng: (1) các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách; (2 và 4) sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách; (3) trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, hệ thống bơm nước thải…
Nhưng “hoành tráng” nhất vẫn là không gian ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành. Hiện thiết kế kỹ thuật của công trình này đang được hoàn chỉnh, chuẩn bị đưa thẩm tra và phê duyệt. Dự kiến, khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành cũng sẽ được xây dựng ngầm dưới lòng đất 40 mét, gồm hai phần: phần khu vực nhà ga gồm ba tầng cho bốn tuyến metro (tầng một cho tuyến số 1 và 3a, tầng hai: tuyến số 2, tầng 3: tuyến số 4) và phần mua sắm bao quanh nhà ga.
Đối với khu vực dọc đường Lê Lợi (kết nối giữa nhà ga trung tâm và nhà ga Nhà hát thành phố), đang có những đề xuất là nên xây dựng một khu mua sắm phía trên đoạn hầm của tuyến metro số 1 với diện tích khoảng 25.500 mét vuông. Như vậy, tổng diện tích ngầm bao gồm nhà ga trung tâm Bến Thành và khu mua sắm ngầm dọc đường Lê Lợi khoảng 45.000 mét vuông.
Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết ý tưởng xây dựng khu mua sắm kết hợp với metro ngoài việc tận dụng không gian ngầm còn nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi metro. Ngoài ra, việc khai thác trung tâm thương mại sẽ góp phần đem lại lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư các tuyến metro. Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã triển khai thành công.
Chú ý kết nối ngầm
Trong thiết kế các công trình ngầm của tuyến metro số 1 cũng đã cho thấy sự kết nối của các nhà ga ngầm với Trung tâm thương mại Vincom, Nhà hát thành phố và các khu thương mại, dịch vụ trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và các công trình xung quanh… Nhưng theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, phát triển tuyến metro số 1 có thể sẽ phát huy tác dụng bền vững khi đi đôi với phát triển quy hoạch cao tầng dọc theo tuyến, để thu hút ít nhất vài triệu người sinh sống gần tuyến và sử dụng metro như là phương tiện giao thông chính hàng ngày. Do đó, cần tính toán nhiều hơn cho sự kết nối (ngầm) giữa các nhà ga metro và phần ngầm của các cao ốc trong tương lai.
“Hiện metro đang được xây dựng trong thời điểm chưa có một nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm cụ thể và khả thi về mặt kinh tế kỹ thuật. Do vậy chúng ta cần có đối sách để không làm hạn chế việc phát triển không gian ngầm trong tương lai. Ví dụ như không tạo ra các vấn đề giao thông mới như tắc nghẽn giao thông đi bộ, và không bỏ qua các cơ hội cải tạo phát triển không gian công cộng với tầm cao mới”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm, nhất là khi lượng người từ metro tỏa ra, cần phải kết nối không gian ngầm của nhà ga với không gian ngầm của các khu dịch vụ thương mại, các công trình lớn trong tương lai như khu trung tâm hành chính mới của TPHCM, khu phức hợp cao tầng Thương xá Tax, khu tháp đôi trước chợ Bến Thành, khu Saigon Center giai đoạn 2 đang sắp xây dựng và khu cao tầng tương lai tại tam giác lõi trung tâm…
Ông Sơn nói: “Kết nối này phải xem là bắt buộc đối với các nhà đầu tư các dự án này, kèm theo các ưu đãi về chính sách vì sẽ giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tập trung tại các ngã tư, đồng thời giúp thành lập mạng lưới không gian ngầm”.
Như vậy cuộc thi thiết kế khu trung tâm hành chính TPHCM tương lai tới đây sẽ không chỉ tập trung vào công trình, mà còn cần gắn liền với đề xuất kết nối ngầm và nối với mạng metro. Còn khu vực quảng trường chợ Bến Thành cũng phải thiết kế lại sao cho vừa đáp ứng giải pháp giao thông phức tạp trong mối kết nối với các loại hình giao thông (xe cá nhân, xe buýt, đi bộ và các mạng lưới giao thông công cộng khác) vừa tạo được một không gian công cộng với các quảng trường và cây xanh cho hoạt động ngày thường và cho các lễ hội đặc biệt trong tương lai.
(Theo TBKTSG)
Share on Google Plus

About arcontek

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment